0243 538 0100
info@cdivietnam.org
Thực hiện quy định của Luật NSNN 2015, chiều 26/10/2020 (5 ngày làm việc kể từ ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội), Bộ Tài chính đã công bố “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội” (hay còn gọi là Dự thảo Dự toán NSNN năm 2021), đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo. Về thời hạn gửi góp ý, mặc dù không được thông báo cụ thể, tuy nhiên nếu dựa trên chương trình kỳ họp Quốc hội có thể thấy rằng trước khi các nghị quyết này được biểu quyết thông qua, công chúng có thể tham gia bình luận, đóng góp ý kiến trong khoảng thời gian từ 26/10 – 10/11/2020.
Với mong muốn mở ra không gian trao đổi các quan điểm và ý kiến giữa các chuyên gia, nhà báo và người dân về ngân sách nhà nước, ngày 2/11/2020, Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) với sự chủ trì của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đã tổ chức Tọa đàm “Ngân sách nhà nước năm 2021 trong bối cảnh bình thường mới”.
Góp ý cho dự thảo dự toán NSNN năm 2021, ông Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính đánh giá dự thảo dự toán NSNN 2021 có những ưu điểm là đưa ra dự báo thận trọng hơn với cả thu và chi cho năm 2021; có đánh giá và định hướng cơ bản về thay đổi thu, chi NSNN, trong đó, thuyết minh rõ ràng về thay đổi các khoản thu chính, dự toán chi tiết 10 khoản chi thường xuyên của ngân sách Trung ương. Đặc biệt, dự thảo dự toán đã thể hiện sự thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng tích cực hơn (giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển…). Tuy nhiên, Dự thảo còn một số điểm hạn chế như: dự toán chi đầu tư không cụ thể, không giải thích ưu tiên lĩnh vực nào. Phản hồi nội dung này, Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết năm 2021 là năm giao thoa giữa 2 giai đoạn 5 năm. Kế hoạch 3 năm hiện nay đang mờ nhạt vì thiếu cơ sở pháp lý, thiếu kế hoạch 3 năm về đầu tư công (Luật NSNN 2015 có quy định về kế hoạch NSNN 3 năm nhưng trong Luật ĐTC 2019 không có nội dung này), chính vì vậy dự toán 2021 chưa chi tiết được lĩnh vực ưu tiên trong chi đầu tư.
Từ góc nhìn của chuyên gia quản trị, ông Trịnh Tiến Dũng cho rằng “Leave No One Behind – Không bỏ ai lại phía sau” là thông điệp xuyên suốt của Chương trình nghị sự mới của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2015 – 2030 với 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Như vậy, quá trình lập, quyết định và chấp hành dự toán NSNN hàng năm từ sau năm 2015 phải bảo đảm được nguồn lực để hiện thực hóa yêu cầu nêu trên. Muốn vậy, cần nắm rõ tác động của các yếu tố ảnh hưởng chính đến các nhóm đối tượng thụ hưởng ngân sách, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Việc dự thảo dự toán NSNN được xây dựng trước khi mưa lũ miền Trung diễn ra vào đầu tháng 10/2020, nên các giải pháp và chính sách nhằm khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ chưa được đề cập trong bản dự thảo dự toán NSNN 2021. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng đình của nhiều chuyên gia khác. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân cho biết: “Dự thảo dự toán NSNN 2021 do được xây dựng vào tháng 9/2020, nên những dữ kiện liên quan đến tình hình mưa lũ nghiêm trọng xảy ra tại khu vực miền Trung trong tháng 10/2020 chưa có trong dự thảo dự toán mà Chính phủ đang trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, trong nguồn lực ngân sách luôn có những khoản dự phòng để giải quyết những vấn đề do thiên tai gây ra”.
Các ý kiến góp ý về Dự thảo Dự toán NSNN năm 2021 tại Tọa đàm đã được BTAP tổng hợp và gửi khuyến nghị góp ý tới Bộ Tài chính và các đại biểu Quốc hội qua email. Chi tiết bản khuyến nghị xem tại đây.
Chúng tôi hy vọng rằng, tiến trình tham vấn- lấy ý kiến cho bản dự thảo Dự toán sẽ được tiếp nối và chủ trì bởi Bộ Tài chính trong những năm tiếp theo để người dân tham gia nhiều hơn và sâu hơn vào quản lý NSNN”.