Loading...

Sáng 15/8/2018 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI Vietnam) đã tổ chức tọa đàm “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam trong giám sát Ngân sách Nhà nước (NSNN) – Khoảng cách từ chính sách tới thực tiễn”. Đây là một hoạt động thuộc dự án “Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng toàn diện” (GIG) do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ.

Kết quả về Chỉ số Công khai Ngân sách 2017 được thực hiện tại 125 nước trên thế giới chỉ rõ ở Việt Nam mức độ tham gia của người dân trong quy trình ngân sách chỉ đạt 7/100 điểm, trong khi đó, mức độ cung cấp thông tin về ngân sách đến người dân đạt 15/100 điểm. Tọa đàm là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ các khó khăn của MTTQ, đồng thời tìm kiếm các giải pháp nâng cao vai trò của MTTQ và các bên liên quan trong trong giám sát NSNN.

Tham dự tọa đàm gồm 60 đại biểu từ Bộ Tài chính, MTTQ cấp trung ương và cấp tỉnh (Bắc Ninh, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Quảng Nam), Hội liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân các tỉnh, các chuyên gia kinh tế – xã hội, các viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan truyền thông – báo chí…

Tại Tọa đàm, Th.s Phan Văn Vượng, đại diện MTTQ Việt Nam đã chia sẻ về một số vấn đề về công tác giám sát của MTTQ, vai trò, chức năng giám sát cụ thể của MTTQ và các khó khăn, vướng mắc trong giám sát NSNN trong đó nhấn mạnh tới các cơ chế và nguồn lực cần thiết cho công tác giám sát. Ông Vượng cho rằng, do giám sát của MTTQ là mang tính xã hội và nhân văn cho nên MTTQ không có kết luận giám sát như các cơ quan quyền lực nhà nước hay Hội đồng nhân dân các cấp. Việc tiếp thu của cơ quan được giám sát hiện nay vẫn tùy thuộc vào cơ quan chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị. Chia sẻ về các khó khăn trong giám sát cấp tỉnh cũng cho thấy những khó khăn chung như ông Vượng đã đề cập.

Ngoài ra, đại biểu MTTQ và Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, Hòa Bình, và Bắc Kạn và chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đồng thuận về vai trò của MTTQ với việc giám sát và thúc đẩy sự tham gia của người dân trong giám sát NSNN. Các đại biểu tham dự đã đề xuất và thảo luận những hướng giải pháp chính sách để tăng cường hơn nữa sự tham gia của công dân trong giám sát NSNN. Một số giải pháp được đề cập bao gồm: cung cấp văn bản hướng dẫn để người dân dễ tiếp cận với các tài liệu NSNN, cụ thể hóa các quy định về công khai ngân sách, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện và tuyên truyền để người dân hiểu quyền và trách nhiệm của mình với NSNN.

Đăng ký thông tin