Loading...

Mobile Money hay Tiền di động là dịch vụ cho phép dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ.

Đây là một tài khoản chứa tiền, gắn liền với số thuê bao di động của người dùng. Không phải ai có SIM cũng có thể thanh toán Mobile Money (chỉ được thanh toán khi người đó mở tài khoản).

Mới đây, theo Quyết định 316, Mobile Money đã được Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm trong hai năm. Mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản Mobile Money tại một nhà mạng. Để sử dụng dịch vụ này, khách hàng phải có SIM chính chủ, SIM này hoạt động liên tục tối thiểu 3 tháng và được nhà mạng định danh, xác thực theo quy định về đăng ký thuê bao di động.

Ảnh: VnExpress

Theo một số phân tích hiện nay, việc triển khai Mobile Money tại Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng kèm theo đó là không ít thách thức.

Những thuận lợi khi triển khai Mobile Money tại Việt Nam

Trước hết, Mobile Money đang có ưu điểm lớn nhất so với các ví điện tử khác là không cần liên kết với thẻ ngân hàng.

Tiếp đó, theo thống kê tại Việt Nam, còn tới 50% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, những nơi mà hệ thống tài chính ngân hàng chưa phát triển. Vì vậy, thị trường dành cho Mobile Money là rất lớn.

Hơn nữa, sau đại dịch Covid-19, người dân đang dần thích ứng với việc giao dịch online nên việc triển khai Mobile Money sẽ là hành động thích hợp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, Mobile Money mang đến thuận lợi cho người dùng khi mà tài khoản điện thoại có thể dễ dàng nạp tại bất kỳ đâu, cũng như dễ dàng thanh toán trên các cửa hàng trực tuyến. Với hình thức Mobile Money, không cần tài khoản ngân hàng và ví điện tử, người dùng vẫn có thể thanh toán nhanh chóng.

Cuối cùng, số lượng điểm giao dịch khổng lồ của các nhà mạng sẽ giúp dịch vụ này phổ biến một cách nhanh chóng. Khi đó, việc nạp và rút tiền từ tài khoản Mobile Money cũng sẽ thuận tiện như cách người dân mua thẻ cào và nạp tiền vào tài khoản viễn thông.                                             

 

Những thách thức đối với Mobile Money

Thứ nhất, nếu 30% số thuê bao di động (trong tổng số hơn 124 triệu thuê bao) sử dụng Mobile Money và chi tiêu 10 triệu đồng/tháng thì dòng tiền chảy qua Mobile Money có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Vậy ai sẽ quản lý số tiền này? Vấn đề đặt ra là làm sao để các cơ quan quản lý, các hãng viễn thông có thể quản lý được dòng tiền đó theo đúng mục đích phục vụ đời sống nhân dân, tránh được tiêu cực như rửa tiền, đánh bạc, tránh nguy cơ các hãng viễn thông đem tiền đó đi đầu tư vào các hoạt động trái với pháp luật.

Thứ hai, Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng lại khá khó để tiếp cận bởi người dân Việt Nam có thói quen tiêu dùng tiền mặt từ lâu và thậm chí đến giờ, giao dịch tiền mặt vẫn có ưu thế hơn trên thị trường tiêu dùng.

Thứ ba, quan trọng hơn, các nhà mạng được làm Mobile Money khi các hình thức thanh toán trực tuyến, ví điện tử đã nở rộ trên thị trường và cơ chế thí điểm hiện tại có nhiều rào cản. Ngoài lợi thế không cần tài khoản ngân hàng, Mobile Money thực sự chưa có nhiều ưu điểm hơn ví điện tử.

Thứ tư, để thu hút lượng khách ở đô thị lớn có sức chi tiêu trực tuyến mạnh thì hạn mức 10 triệu đồng 1 tháng cho 1 tài khoản Mobile Money là khá nhỏ hay việc không thể chuyển khoản giữa các nhà mạng cũng là 1 trở ngại với người dùng.

Cuối cùng là vấn đề bảo mật. Mobile Money được cấp phép thử nghiệm đã đánh thẳng vào thị trường ngách là tệp khách hàng tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo, những nơi mà người dân ít được tiếp xúc với dịch vụ tài chính ngân hàng. Cũng vì thế mà tệp khách hàng này có nhận thức về bảo mật chưa tốt. Điều này có thể là kẽ hở để các đối tượng tội phạm công nghệ cao nhắm tới.

 

Mobile Money khó khăn về quản lý dòng tiền (Ảnh minh họa)

 

Tuy nhiên, nhìn vào sự phát triển của Mobile Money trên toàn cầu, với sự phổ biến ở 95 quốc gia, hơn 2 tỷ USD giao dịch mỗi ngày, chúng ta hy vọng Mobile Money sẽ được thí điểm thành công trong 2 năm tới, từ đó ngày càng phát triển, giảm tác động từ các cú sốc tài chính, góp phần cải thiện nền kinh tế Việt Nam.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/nhung-dieu-can-biet-ve-loai-hinh-thanh-toan-mobile-money-718582.html, https://vnexpress.net/mobile-money-the-kho-khi-sinh-sau-de-muon-4247234.html, https://vnexpress.net/nhung-dieu-can-biet-ve-mobile-money-4246401.html, https://ictvietnam.vn/mobile-myoney-mot-mui-ten-trung-3-dich-2020061909283447.htm, https://vnexpress.net/bai-toan-cho-cac-nha-mang-khi-lam-mobile-money-4247476.html

Đăng ký thông tin