0243 538 0100
info@cdivietnam.org
Sáng 21/11/2018, Liên minh BTAP đã có buổi đối thoại với Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính về Dự thảo Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019.
Tham gia buổi đối thoại có ông Nguyễn Minh Tân và bà Đinh Mai Anh từ Vụ Ngân sách Bộ Tài chính và đại diện Liên minh BTAP.
Tại buổi đối thoại, đại diện Vụ ngân sách và Liên minh BTAP đã trao đổi về Dự thảo dự toán NSNN, trong đó đại diện BTAP đã trình bày tổng hợp các ý kiến đóng góp và xây dựng cho Dự thảo từ phía chuyên gia và người dân. Đại diện Liên minh BTAP, bà Ngô Thị Minh Hương đánh giá cao những điểm tích cực của Dự toán NSNN 2019 như: Những đánh giá và định hướng cơ bản về thay đổi thu, chi NSNN, các thuyết minh về các khoản thu chính và có so sánh với ước thực hiện năm 2018 trong cân đối ngân sách trung ương và địa phương, dự toán thu theo lĩnh vực, theo sắc thuế… Dự toán chi cân đối NSNN năm 2019 cho thấy xu hướng thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng tích cực hơn: Giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư. Liên minh BTAP cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc thực hiện tốt các quy định pháp luật về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quản lý NSNN.
Bên cạnh đó, BTAP cũng đưa ra một số khuyến nghị, tập trung vào những mục chưa cụ thể, chưa đầy đủ số liệu hay thuyết minh chi tiết, thiếu tính nhất quán trong cách tính các chỉ tiêu của dự toán ngân sách.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách đã chia sẻ cụ thể về quy trình làm ngân sách cũng như thuyết minh về số liệu có trong dự toán Ngân sách trình Quốc hội. Ông cũng phúc đáp về các khuyến nghị chính trong bản khuyến nghị do BTAP tổng hợp đối với Dự toán NSNN 2019. Cụ thể, với khuyến nghị “Cần giải trình rõ mục tiêu, chiến lược và giải pháp cụ thể nhằm cắt giảm chi thường xuyên”, ông Tân cho biết Dự thảo dự toán NSNN năm 2019 đã có phần thuyết minh giải thích lý do tăng chi thường xuyên: do tăng trong cải cách tiền lương và các phụ cấp, an sinh xã hội. Do đó, khoản chi thường xuyên được cắt giảm rơi vào khoản chi cho mua sắm và khánh tiết. Về đề xuất bổ sung thuyết minh cho các con số, ông Tân sẽ cân nhắc thêm phần thuyết minh giải pháp cho các con số trong Dự toán khi Quốc hội đã thông qua. Với đề xuất cung cấp số liệu cụ thể hơn cho dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư với các mục tiêu chi kinh tế và chương trình, ông Tân giải thích rằng số liệu hiện được cung cấp trong mẫu biểu của dự toán Ngân sách năm 2019 được thiết kế dựa trên đặc thù Ngân sách lồng ghép của Việt Nam và quy định phân cấp Ngân sách. Số liệu chi tiết, thay vì xuất hiện trong dự toán Ngân sách công khai, sẽ được các cơ quan chức năng cung cấp trong bản phụ lục hoặc được đặt làm giải trình phụ trước Quốc hội.
Đặc tính Ngân sách lồng ghép và thời gian quyết toán Ngân sách tới 18 tháng cũng khiến cho việc tổng hợp số liệu thu – chi trung hạn gặp khó khăn. Hiện tại, Bộ Tài chính đã có số liệu so sánh thu – chi 3 năm nhưng chưa công khai. Ông Tân đồng ý Vụ Ngân sách sẽ cùng tìm hiểu và phối hợp với các tổ chức có quan tâm đến số liệu trung hạn này.
Bên cạnh đó, ông Tân cũng cho biết quá trình tính toán số liệu thu – chi ngân sách không chỉ là công tác của Bộ Tài chính mà còn liên quan đến các bộ, ngành khác như Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Cục Quản lý nợ công, các cơ quan địa phương… Điều này đặt ra yêu cầu Bộ Tài chính phải tham chiếu và tổng hợp các số liệu để xây dựng dự thảo Ngân sách. Quá trình này, tuy nhiên, gặp phải thách thức ở chỗ quy trình làm việc tương đối khác nhau giữa các cơ quan.
Thảo luận về việc tham vấn ý kiến của các thành phần trong xã hội về dự thảo, Bộ Tài chính chia sẻ Bộ đã tiến hành thu thập ý kiến của người dân qua nhiều kênh thông tin như Cổng thông tin điện tử của bộ, Hòm thư góp ý, Chuyên mục Hỏi đáp chính sách… Thưc tế, số lượng ý kiến đóng góp qua các kênh này không sôi nổi. Chia sẻ các khúc mắc của Bộ Tài chính, Liên minh BTAP cũng cho rằng quá trình này cần nỗ lực hơn nữa để tạo ra những chuyển biến trong nhận thức của người dân với việc xây dựng NSNN.
Liên minh BTAP và Vụ Ngân sách đồng ý tiếp tục phối hợp trong những hoạt động kế tiếp, cụ thể là chương trình đánh giá Chỉ số công khai minh bạch ngân sách quốc gia (OBI 2018) để tạo ra các tiến bộ hơn nữa trong lập kế hoạch và quản lý NSNN ở Việt Nam.