Loading...

Ngày 6 và 7/12/2019, Trung tâm Phát triển và Hội nhập phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang tổ chức Đối thoại giữa Chính quyền, Doanh nghiệp và Người dân tại hai xã Mậu Duệ (huyện Yên Minh) và xã Minh Sơn (huyện Bắc Mê) về khai khoáng tại địa phương. Nội dung chính của hai ngày đối thoại nhằm để các bên liên quan chia sẻ về tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn, việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), tình hình công khai minh bạch về nguồn thu, phân bổ, sử dụng nguồn thu phí BVMT và việc đảm bảo quyền lợi người dân địa phương trong khai thác khoáng sản tại 2 xã nói trên năm 2018 – 2019.

Báo cáo Tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang và tại địa bàn 3 huyện Bắc Mê, Yên Minh và Vị Xuyên cho thấy, hiện tại, có 63/69 dự án có phương án cải tạo môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt với tổng số tiền ký quỹ là 142,460 tỷ đồng; 6/69 dự án không có phương án cải tạo môi trường mà chỉ yêu cầu có bản cam kết BVMT hoặc có Báo cáo Đánh giá tác động môi trường. Tính đến 15/7/2019, các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã ký quỹ cải tạo môi trường được 28,30 /142,46 tỷ đồng (xấp xỉ 20%).

Đối thoại tại hai xã Mậu Duệ và Minh Sơn cho thấy khai khoáng ở hai xã đang diễn ra hoạt động khai khoáng tại Hà Giang đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và sinh kế cho người dân. Về môi trường, khai khoáng và luyện kim là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn. Các hóa chất thải ra môi trường từ các công ty khai khoáng chưa được xử lý triệt để gây ra các bệnh về hô hấp. Khói bụi từ khu vực khai khoáng và dọc theo các tuyến đường luân chuyển khoáng khai thác cản trở tầm nhìn của người đi đường, gây ách tắc giao thông, nguy hiểm đối với người tham gia giao thông, đặc biệt là trẻ em. Các con đường huyết mạch tại địa phương vì thế mà nhanh chóng xuống cấp sau một thời gian ngắn sử dụng.

Theo phản ánh của người dân thôn Ngọc Trì, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, nguồn nước sinh hoạt ở đây bị ô nhiễm khiến cá chết và sinh sản ít. Các vùng lân cận giữa bể thải và khu dân cư, khi trời mưa, nước thải tràn rộng ra, xâm nhập vào nguồn nước dân sinh. Người dân sống gần nhà máy cũng không biết chỗ nào bị ô nhiễm hay không ô nhiễm và vẫn lấy nước về dùng.

Từ năm 2018, người dân Minh Sơn đã có nhiều kiến nghị đối với doanh nghiệp để khắc phục các tồn tại trên như đề xuất tưới nước thường xuyên để giảm bụi cho các con đường, để nghị doanh nghiệp lấy mẫu nước kiểm tra và báo cáo kết quả đối với người dân. Nhưng, những gì làm được mới chỉ dừng lại ở việc Doanh nghiệp đã làm bạt cho các nhà dân ven đường để giảm thiểu khói bụi.

Các nguồn nước suối gần khu khai khoáng đều bị ô nhiễm. Ảnh: Cao Hồng Kỳ

Tại thôn Khởi Kẹ, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê doanh nghiệp đã ưu tiên người lao động địa phương, áp dụng mức lương theo luật lao động, có tính phí làm thêm giờ, có chế độ các ngày lễ tết và lương tháng thứ 13, đóng bảo hiểm Y tế, BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, bồi thường tai nạn lao động và cấp phát 2 bộ quần áo BHLĐ 2 bộ/năm cho người lao động. Tuy nhiên, phản ánh của người lao động về vấn đề này là mức lương cơ bản thấp, và chưa có lộ trình tăng lương. Có những người 4 năm đi làm vẫn nhận mức lương cơ bản. Điều đặc biệt là rất nhiều kiến nghị của bà con đã được gửi đến chính quyền và doanh nghiệp trong các đối thoại ba bên diễn ra trong năm 2018. Nhiều kiến nghị trong số đó đến nay vẫn chưa được doanh nghiệp thực hiện.

Tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh kế của người dân. Sau một thời gian nhà máy luyện khoáng đi vào hoạt động, các đống than xỉ thải cao vài mét phía trước nhà máy khiến khu vực lân cận không trồng được cây cối và hoa màu (lúa). Con suối chảy qua địa phận nhà máy cũng bị bồi đắp và làm cạn kiệt và ô nhiễm. Trả lời vấn đề này, đại diện doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp đã thuê chuyên gia độc lập đánh giá ảnh hưởng môi trường và nạo vét lòng suối hàng năm. Tuy nhiên, kết quả đánh giá chưa từng được công bố cho bà con địa phương.

Xỉ thải từ nhà máy luyện khoáng khiến các khu vực lân cận không canh tác được (Ảnh: Cao Hồng Kỳ)

Đối thoại tại 2 xã có doanh nghiệp khai khoáng tại Hà Giang cho thấy, cần những đánh giá chi tiết về những ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác để có các biện pháp giảm thiểu và khắc phục đời sống và sinh kế cho người dân địa phương. Người dân cho rằng, chính quyền địa phương cần củng cố vai trò giám sát trong khai thác và giám sát sản lượng khai thác hàng năm của doanh nghiệp. Về phía người dân, để phát huy tiếng nói của mình, người dân cần tổng hợp các kiến nghị gửi chính quyền bằng văn bản để chính quyền phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền lợi người dân một cách đầy đủ và thỏa đáng thay vì chỉ qua lời hứa.

Đăng ký thông tin