Loading...

Hà Nội, 29/3/2018 –  Sau 10 năm thực hiện khảo sát xếp hạng minh bạch ngân sách toàn cầu và 6 vòng khảo sát kể từ năm 2006, tính minh bạch của ngân sách có dấu hiệu chững lại. Kết quả OBI 2017 từ 115 quốc gia mới chỉ đạt mức xếp hạng trung bình hạn chế (tương đương với 43/100 điểm), giảm nhẹ 2 điểm xếp hạng trung bình so với kết quả OBI 2015. Vẫn còn 3/4 số quốc gia chỉ công khai thông tin ở với mức độ dưới mức đầy đủ (dưới 61/100 điểm). Tình trạng giảm điểm xếp hạng minh bạch công khai ngân sách chủ yếu là do thiếu các thể chế và cơ chế giám sát cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực hiện ngân sách. Không có quốc gia nào đạt điểm đầy đủ ở cả 3 trụ cột: Tính minh bạch, Sự tham gia của người dân, và Giám sát ngân sách. 

Kết quả OBI 2017 của Việt Nam  ở trụ cột thứ nhất về Công khai Ngân sách: ghi được 15 điểm xếp hạng trên 100, giảm nhẹ 3 điểm so với vòng 2015. Mức trung bình toàn cầu là 43/100 điểm xếp hạng (giảm 2 điểm so với vòng đánh giá năm 2015 là 45/100 điểm đối với 102 nước tham gia cả 2 vòng đánh giá 2015 và 2017). Xếp hạng Chỉ số Công khai ngân sách (OBI) Việt Nam hiện nay thuộc vào nhóm thứ 5 – Nhóm Ít công khai nhất (đạt từ 0 – 20 điểm xếp hạng/100) gồm 27 nước được coi là ít hoặc không công khai thông tin ngân sách. So với khu vực, Việt Nam chỉ đứng trên Myanmar, còn những nước như Philippines đạt 67/100, Indonesia đạt 64/100 và được xếp hạng tốt trong chỉ tiêu Đầy đủ. Điều này cho thấy công chúng được cung cấp ít thông tin về ngân sách và việc công bố thông tin và tài liệu ngân sách chưa kịp thời, hoặc công bố chậm hơn các thông lệ tốt của quốc tế. Hơn nữa, các tài liệu được công bố còn chưa đủ thông tin như chuẩn mực. Trong số các tài liệu công bố, Việt Nam còn chưa công bố Dự thảo dự toán ngân sách trình quốc hội và công bố muộn Báo cáo ngân sách dành cho công dân và Báo cáo kiểm toán.

Ở trụ cột thứ 2 về Sự tham gia của người dân Việt Nam ghi được 7 điểm xếp hạng trên 100, trong khi mức trung bình toàn cầu là 12 điểm. Xếp hạng thấp ở trụ cột này có nghĩa là các cơ quan lập pháp, hành pháp và kiểm toán tạo rất ít cơ hội và chưa có cơ chế để cho công chúng tham gia vào các quá trình ngân sách

Trong trụ cột thứ 3 về Giám sát, Việt Nam ghi được 72/100 đối với Giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp và 72/100 đối với giám sát ngân sách của cơ quan Kiểm toán. Cụ thể, giám sát trong quá trình lập kế hoạch ngân sách là đầy đủ và trong quá trình thực thi ngân sách là hạn chế.

Trong kỳ đánh giá OBI 2017, đáng lưu ý trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai, Việt Nam đã công bố 5 tài liệu. Báo cáo Ngân sách dành cho công dân và Báo cáo kiểm toán công bố chậm hơn thông lệ tốt. Việt Nam cũng còn cần công bố Dự thảo dự toán ngân sách trình Quốc Hội, xây dựng và công bố báo cáo giữa kỳ và tăng chất lượng, nội dung thông tin của báo cáo thực hiện ngân sách hàng quý.  

Theo Ông Joel Friedman, Nghiên cứu viên cao cấp của tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc Tế (IBP) cho biết: “Tình trạng thiếu minh bạch ngân sách của nhiều quốc gia đặt ra thách thức trong việc thực hiện các cam kết quốc tế như cam kết về Mục tiêu Phát triển Bền Vững của Liên Hiệp Quốc, ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia trong đầu tư tài chính quốc tế và cuộc sống của người dân. Đặc biệt, hiện Việt Nam đã đạt được xếp hạng trên chuẩn về giám sát ngân sách, nhưng vẫn còn thấp trong xếp hạng về sự tham gia là cần có cơ chế và cơ hội cho người dân tham gia. Việt Nam có thể tốt hơn nữa, khi có các cơ chế đối thoại, thảo luận về ngân sách trực tiếp hơn với người dân”.

Bà Ngô Minh Hương, Trung Tâm Phát triển và Hội nhập, nghiên cứu viên của OBI 2017 nhấn mạnh: “Quá trình thực hiện OBI 2017 đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cơ quan chính phủ, quốc hội và kiểm toán của Việt Nam để hiểu về thông lệ tốt của quốc tế trong minh bạch ngân sách từ đó có thể xây dựng luật pháp, cơ chế, chính sách về tài khoá và cơ chế công khai ngân sách một cách thích hợp. Luật Ngân sách 2015 đã có nhiều điều khoản thúc đẩy mạnh mẽ công khai minh bạch ngân sách nên tới kỳ khảo sát 2019, Việt Nam có thể tăng xếp hạng minh bạch ngân sách và do vậy có thể tăng uy tín với các đối tác và nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, ngoài việc công bố tài liệu ngân sách, Việt Nam cần nâng cao chất lượng và sự đầy đủ thông tin ngân sách hơn và cần có cơ chế  tạo cơ hội cho sự tham gia của công chúng thì mới có thể đưa được xếp hạng lên thứ hạng cao như Philippines và Indonesia trong khu vực”.

Thông tin chung về khảo sát Công khai ngân sách OBI

Khảo sát công khai ngân sách 2017 của tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) là cuộc khảo sát độc lập quốc tế duy nhất về Chỉ số Công Khai Ngân Sách (OBI) được thực hiện hai năm một lần từ 2006 trên phạm vi toàn cầu và được đánh giá độc lập của tổ chức IBP và hơn 300 các chuyên gia nghiên cứu viên trên toàn cầu. Các chỉ số và tiêu chí của OBI có tính so sánh, nhưng nhất quán dựa theo các tiêu chuẩn và tiêu chí quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), Tổ chức Kiểm toán Quốc tế (INTOSAI). Khảo sát OBI được thực hiện dựa trên bằng chứng và trích lục các tài liệu về ngân sách kể cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan được cung cấp với điều kiện các tài liệu này được công bố theo dạng công chúng có thể được bằng nguồn mở. Việc đánh giá về 8 loại tài liệu ngân sách chủ chốt tương đồng với thông lệ chung của các quốc gia khác, và được đánh giá theo các tiêu chí (i) về tính sẵn có (tài liệu được xây dựng và công bố công khai), (ii) tính kịp thời (cơ quan chính phủ kịp thời công bố tài liệu và công bố theo thông lệ tốt của quốc tế) và (iii) chất lượng và tính phức hợp của tài liệu (tài liệu đầy đủ về nội dung, thông tin và theo chuẩn mực thông lệ tốt về tài khoá quốc tế). Kết quả khảo sát ban đầu của các ghiên cứu viên độc lập được đánh giá lại và được các chính phủ xem xét và phản hồi trước khi có kết quả cuối cùng.

Kỳ đánh giá OBI2017 có sự tham gia của 115 quốc gia, tăng thêm 13 quốc gia so với kỳ đánh giá 2015. OBI2017 đánh giá các tài liệu được công bố trước 31/12/2016. Khảo sát gồm 145 câu hỏi có tính điểm phân tích về ba trụ cột (i) Mức độ minh bạch; (ii) Sự tham gia của công chúng; (iii) Sự giám sát của cơ quan lập pháp.Tiêu chí của OBI2017 có thay đổi so với OBI2015 do sự thay đổi của tiêu chuẩn về minh bạch tài khoá của IMF và OECD và các nguyên tắc về sự tham gia của công chúng của Sáng kiến Toàn cầu về minh bạch tài khoá (GIFT). Công chúng cần được có cơ hội tham gia trong các quá trình ngân sách và có cơ chế tham gia với cơ quan lập pháp, hành pháp và kiểm toán nhà nước. Kết quả OBI2017 toàn cầu được tổ chức IBP chính thức được công bố vào tháng 20/1/2018 tại Washington và kết quả OBI2017 ở Việt Nam là ngày 29/03/2018.

Tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) phối hợp với các tổ chức độc lập trên khắp thế giới trong việc phân tích, theo dõi và vận động thay đổi quy trình ngân sách của Chính phủ, các thể chế và hiệu quả ngân sách. Tại Việt Nam, IBP phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) để thực hiện đánh giá xếp hạng OBI 2012, OBI 2015 và OBI 2017.

Xem tóm tắt báo cáo OBI Việt Nam tại: Tóm tắt báo cáo OBI Việt Nam 2017

Xem toàn bộ báo cáo khảo sát theo từng kỳ từ năm 2006 đến 2017 và các báo cáo của 115 quốc gia tại: www.openbudgetsurvey.org

Đăng ký thông tin