0243 538 0100
info@cdivietnam.org
Tọa đàm công bố Chỉ số công khai ngân sách Việt Nam (OBI 2023) đã được tổ chức sáng ngày 28/6/2024, với sự tham gia của đại diện đại diện Bộ Tài chính, Cơ quan Quốc hội và cơ quan Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông.
Ảnh: Toàn cảnh Tọa đàm
Tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện Khảo sát công khai ngân sách (OBS) với Chỉ số công khai ngân sách (OBI) của các quốc gia trên thế giới. Đây là sáng kiến nhằm thúc đẩy các chính phủ công khai minh bạch ngân sách, hướng tới hệ thống ngân sách minh bạch, có sự tham gia và giải trình tốt hơn, từ đó tăng uy tín và hiệu quả sử dụng ngân sách. Khảo sát công khai ngân sách do IBP phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) thực hiện ở Việt Nam với chu kỳ đánh giá 2 năm 1 lần kể từ năm 2012.
Kết quả khảo sát OBS 2023 ghi nhận những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc tăng cường công khai minh bạch ngân sách. Điểm xếp hạng của Việt Nam trong khảo sát OBS 2023 ở cả 3 trụ cột minh bạch, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách đều tăng so với OBS 2021.
Điểm nổi bật trong kết quả OBI 2023 của Việt Nam là xếp hạng mức độ minh bạch ngân sách đạt 51/100 điểm, cao hơn xếp hạng trung bình toàn cầu là 45/100 điểm, tăng 7 điểm và 11 bậc so với OBI 2021, 13 điểm và 20 bậc so với kỳ OBI 2019. Điểm xếp hạng này nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên 52/125 quốc gia tham gia khảo sát OBS 2023.
Ở trụ cột SỰ THAM GIA CỦA CÔNG CHÚNG: Điểm xếp hạng của Việt Nam về sự tham gia của công chúng đạt 19/100 điểm, tăng 2 điểm so với khảo sát OBS 2021, cao hơn 4 điểm so với điểm trung bình toàn cầu. Việt Nam hiện đứng thứ 41/125 quốc gia trong kỳ khảo sát OBS 2023. Tuy nhiên, điều này cho thấy công chúng còn ÍT tham gia vào quy trình ngân sách. Điểm xếp hạng của Việt Nam về sự tham gia của công chúng trong quá trình xây dựng ngân sách là 27/100, trong phê duyệt ngân sách là 56/100, và không đạt được điểm nào trong quá trình thực hiện ngân sách và kiểm toán ngân sách.
Ở trụ cột GIÁM SÁT NGÂN SÁCH: Việt Nam có xếp hạng ĐẦY ĐỦ về giám sát với điểm xếp hạng chung là 82/100 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2021. Trong đó, giám sát của Quốc hội đạt 78/100 điểm và giám sát của Kiểm toán nhà nước đạt 89/100 điểm, đều cao hơn so với điểm trung bình toàn cầu về giám sát của Quốc hội là 45 điểm và của Kiểm toán nhà nước là 62/100 điểm. Việt Nam hiện đứng thứ 11/125 quốc gia trong điểm xếp hạng về giám sát ngân sách.
Tại toà đàm, Đại diện tổ chức IBP đã giới thiệu tổng quan về khảo sát OBS và xu hướng toàn cầu và khu vực. Nhìn chung chỉ có cải thiện nhẹ về chỉ số công khai ở cả 3 trụ cột. T.S Ngô Thị Minh Hương, Nghiên cứu viên chính thực hiện khảo sát OBS tại Việt Nam cũng đã trình bài kết quả chính và các khuyến nghị cho Việt Nam.
Tại phiên thảo luận về kết quả chính của khảo sát OBI 2023 của Việt Nam, các đại biểu phân tích rõ hơn những điểm cải thiện tích cực, những thách thức còn tồn tại, cơ hội và triển vọng về tăng cường công khai minh bạch, sự tham gia của công chúng, và giám sát ngân sách trong thời gian tới. Phiên thảo luận có sự tham gia của Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính-Ngân sách, Văn phòng Quốc hội; Ông Nguyễn Minh Tân – Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước – Bộ Tài chính, Ông Đinh Duy Đông – Phó trưởng phòng Ngân sách Nhà nước, Vụ Ngân sách Nhà nước – Bộ Tài chính, Ông Trương Hồng Hải, Phó phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước; Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược, Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Trung tâm Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (VAPEC); PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công – Học viện Tài chính.
Đại biểu đã bình luận, khuyến nghị về các phương thức và cách thức để Việt Nam có thể tăng điểm minh bạch ngân sách qua việc tăng mức độ đầy đủ và công bố kịp thời báo cáo ngân sách giữa kỳ. Các đại biểu cũng cho rằng cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế về các thông lệ tốt đối với sự tham gia của công chúng, đặc biệt trong các quy trình ngân sách từ xây dựng ngân sách, thông qua ngân sách, thực hiện và giám sát ngân sách. Các cơ quan Quốc hội cũng có thể tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, thu hút sự quan tâm của người dân trong vấn đề ngân sách và có các phiên điều trần về ngân sách. Cơ quan kiểm toán nhà nước cũng có thể công bố các tài liệu về tình hình thực hiện các khuyến nghị kiểm toán và có ý kiến của người dân, dư luận khi xây dựng kế hoạch kiểm toán.
Tài liệu Tọa đàm xem tại đây.