0243 538 0100
info@cdivietnam.org
Hiện tượng “lan đột biến” và chuyện ngành Thuế
Chuyện mua bán những giò lan đột biến (lan var) lên đến hàng tỷ đồng đã là chuyện bình thường từ năm ngoái. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, câu chuyện giao dịch và giá trị thật của lan var đã được nhiều người bàn tán.
Thế nhưng, sốc nhất là vào ngày 15/3, trên facebook của một cá nhân đã đăng tải thông tin về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan var Đất Mỏ (Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh). Tổng giá trị giao dịch này là 288,5 tỷ đồng, trong đó có 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng. Trước đó, ngày 12/3, trên mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng ở Hà Nam với giá 18.888.888.888 đồng.
(Lan Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ)
Trước hiện tượng này, nhiều câu hỏi cũng đã đặt ra: Nếu các giao dịch là có thực, thì liệu một cây lan có thể có giá lên tới hàng trăm tỷ đồng hay không? Liệu có hay không mục đích rửa tiền đằng sau các thương vụ giao dịch này? Bên cạnh đó, một khía cạnh khác cũng được dư luận đặt ra là với các giao dịch mua bán lan lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ như trên, thì việc thu thuế sẽ ra sao.
Khó khăn trong thu thuế
Các sản phẩm nông nghiệp khác cần sử dụng diện tích mặt đất, mặt nước nhất định mới làm được nên cơ quan thuế dễ dàng xác định là người nông dân tự trồng trọt, không phải nộp thuế theo quy định. Nhưng cây lan không cần nhiều đất đai, có thể tận dụng khoảng không, trồng cây treo, hoặc các đối tượng kinh doanh vẫn có thể cắt ra mua đi bán lại hoặc trồng một thời gian mới bán. Các giao dịch lại không có hợp đồng, giấy tờ nên cơ quan thuế rất khó xác định là kinh doanh hoàn toàn.
Hai bên có thể ký với nhau hợp đồng hàng chục, hàng trăm thậm chí là hàng nghìn tỷ nhưng sau đó có thể thỏa thuận để hủy bỏ. Nếu hợp đồng là thật, việc hủy bỏ này là thật thì pháp luật không cấm. Nhưng nếu hai bên vẫn có giao dịch với nhau, việc mua bán cây vẫn diễn ra thì việc hủy này chỉ nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, có thể xử lý hình sự.
Đa số các trường hợp buôn bán hoa lan trên là giao dịch giả. Các đối tượng dùng các “chiêu” đưa thông tin, gây sốt dư luận với các mục đích khác nhau.
Hơn nữa, lan là cây không đăng ký sở hữu tài sản như xe nên việc xác định chuyển nhượng rất khó. Để chống thất thu thuế không chỉ trong lĩnh vực lan mà các thị trường khác cần có quy định hạn chế giao dịch tiền mặt trong xã hội
Truy tận gốc nguồn tiền
Để thu thuế giao dịch lan đột biến tiền tỷ, công an cần phải vào cuộc điều tra làm rõ, liệu các giao dịch hoa lan đột biến này có thật hay không; hay đây chỉ là giao dịch giả tạo nhằm che đậy giao dịch hoặc hành vi mờ ám bất hợp pháp. Trong các giao dịch này, có hay không hiện tượng bóp méo sự thật để tạo scandal cũng như hiệu ứng truyền thông hay marketing, hay chỉ là những giao dịch nhằm mục đích hợp thức hóa dòng tiền, rửa tiền. Nếu chỉ là “làm màu, câu view” thì cũng có thể xử lý hành vi đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang trong dư luận.
Đối với lượng tiền mặt phô bày trong các giao dịch, công an cần làm rõ về nguồn gốc của số tiền ấy của ai và từ đâu ra. Nếu như làm ăn, kinh doanh thì tiền ấy đóng thuế chưa, còn đi vay mượn thì phải có hợp đồng chứng minh…
Nguồn:
http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Hau-het-cac-giao-dich-lan-dot-bien-tien-ty-la-ao/426568.vgp
http://cand.com.vn/Kinh-te/Co-that-thu-thue-tu-thuong-vu-tram-ty-lan-dot-bien-634808/