Loading...

Trung tuần tháng 3 năm 2019, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (LHH) Hà Giang đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Chia sẻ báo cáo tình hình thực thi Luật Tiếp cận thông tin tại Hà Giang”. Đây là một hoạt động của Liên minh Khoáng sản (LMKS) nhằm tham vấn cho báo cáo tình hình thực thi Luật Tiếp cận thông tin tại Hà Giang, thuộc dự án “Hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự tham gia các hoạt động phát triển và vận động chính sách tại Việt Nam.”

Tham gia Hội thảo có ông Nguyễn Duy Sụn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Thanh Toàn – Trưởng ban Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang (MTTQ), đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, đại biểu UBND huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, và xã Mậu Duệ.

Được thông qua từ tháng 4 năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 7 năm 2018. Trình bày tình hình triển khai Luật Tiếp cận thông tin tại tỉnh, ông Nguyễn Duy Sụn chia sẻ: Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh lập kế hoạch số 227/KH-UBND và tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn cho các cán bộ về bộ luật ngay từ khi được thông qua. Công tác phổ biến luật từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã cũng được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, một số nội dung LTCTT chưa rõ ràng (chưa đề cập rõ đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp thông tin) và các khó khăn trong triển khai (về kinh phí, con người) hiện đang là trở lực cho quá trình tuyên truyền luật từ cấp tỉnh đến từng người dân.

Báo cáo LTCTT của nhóm nghiên cứu từ LMKS cho thấy kết quả tương tự: Các cơ quan chính quyền địa phương tại Hà Giang đều sẵn sàng cung cấp thông tin cho người dân khi được yêu cầu; Hạ tầng cung cấp thông tin để đáp ứng lưu trữ và cung cấp khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, người dân gần như không có yêu cầu thông tin đối với văn phòng các cơ quan các cấp hay trên cổng thông tin điện tử; Các đơn vị được khảo sát đều chưa có đầu mối cung cấp thông tin, quy trình cũng như danh mục thông tin cần công khai.

Cũng theo Báo cáo, trong lĩnh vực khoáng sản, các thông tin về thu – chi phí bảo vệ môi trường (BVMT) chưa đến được với phần lớn người dân địa phương do thông tin này chưa được phản ánh trong các báo cáo dự toán hay tình hình ngân sách của tỉnh mà chủ yếu được công khai qua các hội thảo thường niên, các cuộc đối thoại do LHH và MTTQ tỉnh Hà Giang tổ chức, các cuộc tiếp xúc cử tri tại cơ sở. Các hình thức truyền thông khác (truyền thông đại chúng, niêm yết thông tin, cổng thông tin điện tử…) chưa được tận dụng để tối ưu phổ biến thông tin về Luật cho người dân cũng là một lý do cần được cân nhắc.

Về phản ánh từ địa phương, đại biểu từ các xã Mậu Duệ, huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Mê đều cho rằng: Những điểm chính của LTCTT đều được lồng ghép và truyền đạt dễ hiểu đến cho người dân. Tuy nhiên, những gì người dân quan tâm là các thông tin về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Những chia sẻ từ đại biểu xã Mậu Duệ tại Hội thảo nhấn mạnh: xã nhận ra nhiều lợi ích khi người dân có ý thức hơn với việc tìm hiểu và yêu cầu công khai thông tin từ phí BVMT.

Những chia sẻ tại hội thảo là những đóng góp quan trọng để nhóm nghiên cứu hoàn thiện Báo cáo tình hình thực thi Luật Tiếp cận thông tin tại Hà Giang. Cùng với báo cáo tình hình thực hiện LTCTT của Liên minh Đất rừng và Liên minh Nước sạch, nhóm nghiên cứu sẽ tổng hợp thành một báo cáo chung về Tình hình thực thi LTCTT của các Liên minh và công bố vào ngày 27.3.2019 tới đây.

Đăng ký thông tin