Loading...

Trong bối cảnh Luật Quản lý nợ công đang được sửa đổi và dự kiến trình Quốc Hội thông qua vào tháng 10 năm 2017, sáng 18/10 tại Hà Nội Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP), với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu EU và Tổ chức Oxfam, đã tổ chức Hội nghị: “Quản lý nợ công ở Việt Nam – Thực trạng và các khuyến nghị chính sách”. Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả phân tích về thực trạng quản lý nợ công ở Việt Nam và thúc đẩy thảo luận, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật.

Các chuyên gia, đại biểu tham dự đều một lần nữa khẳng định việc xây dựng Luật Quản lý nợ công (thay thế cho Luật Quản lý nợ công 2009) là hợp lý và kịp thời. Việc sửa đổi Luật quản lý nợ công với các quy định chặt chẽ hơn về quy trình vay nợ, làm giảm mức nợ công của Việt Nam hiện nay giống như việc “tự lấy đá đè chân mình, tức hạn chế quyền của mình, nhưng mang lại lợi ích cho tương lai”.

Hội nghị ghi nhận ý kiến đóng góp xác đáng cho dự thảo Luật

1.Về phạm vi nợ công, có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra:

  • Nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét mở rộng phạm vi nợ công, bao gồm các khoản nợ của Doanh nghiệp nhà nước, các khoản nợ tiềm ẩn khác để có được bức tranh tổng thể hơn về tình hình nợ công, tránh tình trạng các con số nợ công được đưa ra hiện nay không thống nhất, gây nhiều tranh cãi
  • Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Tổ chức Oxfam cho rằng, bên cạnh việc tăng cường quản lý nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương và nợ bảo lãnh, Việt Nam cần xây dựng các cơ chế để quản lý tốt hơn nợ của doanh nghiệp nhà nước và nợ từ hệ thống tín dụng. Xem xét và áp dụng một số thông lệ quốc tế định nghĩa và thống kê nợ công. Theo như Ngân hàng thế giới, nợ công không chỉ là nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, nợ do Chính phủ bảo lãnh mà còn là nợ ở Ngân hàng Trung ương, các tổ chức công lập, các doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là các khoản cam kết chi trả như lương hưu, bảo hiểm.
  • Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, chuyên gia Tài chính công cho rằng việc mở rộng khái niệm nợ là không hợp lý, vì mỗi quốc gia có khái niệm khác nhau về nợ công, an toàn nợ phụ thuộc vào nhiều yếu tố; đặt vấn đề mở rộng phạm vi đồng nghĩa với việc phải mở trần nợ công
  • Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế lại ủng hộ việc mở rộng phạm vi nợ công. Theo ông việc mở rộng này xuất phát từ thực tế của Việt Nam, từ thực trạng đầu tư của Doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, khiến cho nhà nước phải trả nợ thay, làm nợ công tăng nhanh.
  • Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ quan điểm: Nợ DNNN có thể không tính vào nợ công, nhưng phải có cơ chế kiểm soát rõ ràng
  • Ông Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng: “Nếu tính đúng tính đủ thì nợ công của Việt Nam đã vượt trần cho phép vì những khoản nợ như nợ xây dựng cơ bản thì vẫn thuộc phạm vi ngân sách thanh toán”, vì vậy khi sửa đổi Luật Quản lý nợ công, nếu không bổ sung thêm các khoản nợ công thì phải các các điều khoản đề phòng rui ro từ nợ công tiềm ẩn.

2. Về chỉ tiêu an toàn nợ công

  • Đa số đại biểu tham dự đánh giá việc xây dựng các chỉ tiêu an toàn nợ công trong dự thảo Luật là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.
  • Nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến cho rằng Dự thảo Luật đã quy định một số hành vi bị cấm trong trong đó có quy định cấm vay nợ vượt quá chỉ tiêu an toàn, tuy nhiên mỗi quy định nếu không có chế tài xử lý thì sẽ không đảm bảo quy định đó được thực hiện một cách nghiêm túc về mặt pháp lý khi đặt ra quy định như vậy thì phải có quy định xử lý trong trường hợp vi phạm. Do vậy, các đại biểu khuyến nghị dự thảo Luật này cần có những quy định chế tài xử lý nếu nợ công vượt chỉ tiêu an toàn.
  • Theo ông Vũ Sỹ Cường, hiện tại chưa có chỉ tiêu nào để đánh giá mức độ rủi ro của nợ công, hay mức trần 65% GDP với Việt Nam dựa trên cơ sở nào.

3. Về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý

  • Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách, Ủy ban tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng nhiệm vụ quyền hạn các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng nhà nước cần được quy định rõ ràng hơn, để khắc phụ tình trạng không hợp lý hiện nay: “1 cửa trả nợ và 2 cửa đi vay”
  • Theo ông Lê Đăng Doanh, cần xác định một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân về nợ công, đó là Bộ Tài chính. Luật cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình của người ký quyết định chi ngân sách. Nếu có sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính, tài chính hay hình sự về những sai phạm hay thiếu sót.

4. Về Công khai minh bạch

  • Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp tổ chức Oxfam cho rằng, công tác quản lý nợ công cần tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình, cơ quan chức năng cần đưa những quy định cụ thể trong chế độ báo cáo, công bố thông tin vào Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
  • Ông Nguyễn Minh Tân nhận định “Nỗ lực đẩy mạnh công khai nợ công hoàn toàn chính đáng và phù hợp”, thông tin nợ công được công khai cũng cần đầy đủ
  • Chuyên gia Nguyễn Trọng Nghĩa đề xuất cần có quy định về tần suất thực hiện giám sát nợ công, quy định cũng cần đề cập cụ thể báo cáo của cơ quan giám sát, xử lý sau giám sát ra sao, “không phải giám sát xong rồi để đấy”.
  • Các ý kiến khác cũng cho rằng cần có quy định cụ thể, chi tiết về công khai, minh bạch đối với các khoản chi ngân sách có thể góp phần làm tăng nợ công.

Ngoài ra, còn rất nhiều kiến nghị liên quan tới công cụ quản lý nợ công, phân loại nợ bằng đồng tiền, kế hoạch vay, hạn mức bảo lãnh chính phủ, vay ODA, vay sưu đãi, mục đích vay,…

Các ý kiến đóng góp sẽ được BTAP tổng hợp để gửi lên các đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật này.

Chi tiết bản khuyến nghị chính sách xem tại đây.

Đăng ký thông tin